Mai Châu là huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình cách tỉnh lỵ 65 km về phía Tây, cách Hà Nội khoảng 130 km, diện tích tự nhiên 56.982,81 ha, phía Tây giáp huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La), phía Nam giáp huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa), phía Bắc giáp huyện Đà Bắc, phía Đông giáp huyện Tân Lạc tỉnh Hòa Bình. Là huyện có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 07 dân tộc chính, dân tộc Thái chiếm gần 60%, còn lại là dân tộc Kinh, Mường, Mông, Dao, Tày, Hoa,... Mai Châu có nhiều sông, suối, hang động, hồ chứa nước tự nhiên, phong cảnh núi non hùng vĩ, khí hậu trong lành, vùng đất nổi tiếng về văn hóa dân gian, lễ hội đặc sắc, ngành nghề thủ công truyền thống mang đậm nét văn hóa các dân tộc. Đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Quy hoạch phát triển Điểm du lịch quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030 được lập nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia có kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch cần thiết, có khả năng bảo đảm phục vụ ít nhất một trăm nghìn lượt khách tham quan một năm; với chức năng tìm hiểu văn hóa - lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng,... có vai trò quan trọng của du lịch tỉnh Hòa Bình cũng như vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Định hướng tổ chức không gian du lịch Điểm du lịch quốc gia Mai Châu gồm 3 không gian chính:
- Không gian phía Bắc, Tây Bắc:
+ Vị trí, ranh giới: Từ ngã ba Tòng Đậu đến xóm Cha Long, chủ yếu thuộc đất xã Tòng Đậu.
+ Định hướng: Phát triển các bản du lịch cộng đồng mới nhằm cung cấp các trải nghiệm du lịch cộng đồng chất lượng cao cho khách du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường; Khai thác tiềm năng du lịch, vui chơi giải trí khu vực hồ Tòng Đậu để phát triển các sản phẩm du lịch dã ngoại sinh thái, vui chơi giải trí trên mặt nước và ven hồ.
- Không gian trung tâm (thị trấn Mai Châu):
+ Vị trí: Khu vực trung tâm thị trấn Mai Châu.
+ Định hướng: Phát triển các dịch vụ hỗ trợ khách du lịch và đa dạng hóa các hoạt động về đêm của khách du lịch như chợ đêm, phố đi bộ du lịch, các trung tâm thông tin du lịch, các dịch vụ về ngân hàng, internet… Khai thác và phát triển du lịch cộng đồng xóm Văn.
- Không gian phía Nam:
+ Vị trí ranh giới: Từ bản Pom Coọng đến xóm Chiềng Châu và khu vực xóm Mỏ.
+ Định hướng:
» Đa dạng hóa sản phẩm du lịch với các sản phẩm chính: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, mua sắm…
» Phát triển các hoạt động vui chơi giải trí và dịch vụ gắn với quá trình đô thị hóa (đặc biệt chú trọng các hoạt động giải trí đêm) ở khu vực thị trấn Mai Châu mở rộng.
» Nâng cấp các sản phẩm du lịch cộng đồng thông qua việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường và đa dạng hóa các hoạt động của du khách.
» Khai thác tiềm năng cảnh quan sinh thái và sinh thái nông nghiệp để phát triển các khu nghỉ dưỡng mang đặc trưng văn hóa Thái.