HNPL, HOẠCH ĐỊNH CHO NHỮNG GIÁ TRỊ VIỆT

  • Công nhận Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang

Vị trí, vai trò của khu du lịch Núi Sam trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long


Núi Sam có tiềm năng du lịch nổi trội và độc đáo nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nổi trội bởi sự đa dạng, phong phú về tài nguyên du lịch cả về tự nhiên và văn hóa, trong đó phải kể đến hệ thống di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia gắn với Miếu Bà Chúa Xứ (Ngôi miếu lớn nhất Việt Nam), Chùa Tây An (Ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam), Lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền. Đặc biệt hơn cả là lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, một lễ hội truyền thống lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long có giá trị tâm linh, tín ngưỡng thờ Mẫu nổi tiếng khắp cả nước, có sức thu hút mạnh mẽ đối với khách du lịch đến vùng. Nét độc đáo của Núi Sam mà hiếm nơi nào có được đó là địa hình núi đá nổi giữa vùng đồng bằng rộng lớn và trù phú, liền kề hệ thống kênh rạch tạo nên cảnh quan hấp dẫn. Với đặc điểm nêu trên, có thể nói, Núi Sam là khu du lịch điển hình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Núi Sam là một trong 05 địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đây là tiền đề để Núi Sam tiến tới trở thành khu du lịch quốc gia. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 định hướng Núi Sam thuộc không gian du lịch phía Tây của vùng gắn với phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng – du lịch văn hóa, lịch sử, lễ hội. Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Núi Sam trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa tâm linh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Như vậy, Núi Sam gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng về văn hóa tâm linh là lợi thế tạo sức cạnh tranh với các khu du lịch khác trong vùng. Nếu như phía Nam vùng là Mũi Cà Mau (Cà Mau) gắn với sinh thái rừng ngập mặn, phía Tây là Phú Quốc (Kiên Giang) gắn với nghỉ dưỡng biển đảo, phía Bắc là Xứ sở hạnh phúc (Long An) gắn với nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, phía Đông Bắc là Thới Sơn (Tiền Giang, Bến Tre) gắn với sinh thái miệt vườn, sông nước thì phía Tây Bắc là Núi Sam, một không gian điển hình về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, là lợi thế để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, hình thành các tuyến du lịch hấp dẫn của vùng. Một điều đáng nói, du lịch tâm linh ngày càng phát triển, là một lợi thế nổi trội của Núi Sam so với khu du lịch khác trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch của Núi Sam nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Núi Sam thực sự trở thành khu du lịch hấp dẫn hơn nữa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nếu được công nhận là khu du lịch quốc gia, khi đó quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư du lịch được đẩy mạnh, dễ dàng thu hút của các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư chiến lược và khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến Núi Sam nhiều hơn, đồng thời nhận được những cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi của nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của vùng một cách bền vững.

Vị trí, vai trò của khu du lịch Núi Sam trong tỉnh An Giang


Với vai trò là động lực cho phát triển du lịch của tỉnh, khu du lịch Núi Sam gắn với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam đã thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Khu du lịch Núi Sam đã có những bước phát triển, trở thành một trong số ít nơi có sức hút du khách nhiều nhất của tỉnh An Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Núi Sam có vai trò đặc biệt quan trọng bởi nó không chỉ là điểm nhấn về không gian và cảnh quan, mà còn là điểm đến du lịch quan trọng nhất của cả tỉnh. Lượng khách đến Núi Sam chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng khách đến An Giang (năm 2017 chiếm 62,81%), trong đó, hầu hết khách du lịch nội địa đến An Giang đều đến Núi Sam.
Mặc dù đóng góp trực tiếp của du lịch Núi Sam vào phát triển kinh tế của tỉnh và thành phố Châu Đốc chưa lớn như kỳ vọng, nhưng đã có những đóng góp nhất định. Điều này thể hiện qua hoạt động du lịch Núi Sam có sự phát triển trong thời gian qua. Năm 2011, lượng khách du lịch đạt 3,7 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt gần 209  tỷ đồng, thì đến năm 2017, lượng khách du lịch đạt trên 4,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt gần 950 tỷ đồng. Ngoài ra, thị trường khách du lịch đến Núi Sam có sự thay đổi theo hướng tích cực, mở rộng ra nhiều tỉnh, thành ở Vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đây là yếu tố thể hiện vị thế, sức hấp dẫn của Núi Sam trong du lịch tỉnh An Giang.
Núi Sam được xác định là một trong 04 khu du lịch trọng điểm của tỉnh theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 Trong thời gian tới, khi được công nhận là khu du lịch quốc gia thì Núi Sam trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh An Giang, tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển các khu, điểm du lịch vệ tinh khác của Núi Sam trong tỉnh An Giang như Núi Cấm (Tịnh Biên), rừng Tràm Trà Sư (Tịnh Biên), Cồn Phó Ba (Thành phố Long Xuyên), Búng Bình Thiên (An Phú), khu di tích văn hóa Óc Eo – Ba Thê (Thoại Sơn), các làng nghề truyền thống (đường Thốt Nốt, thổ cẩm người Chăm, mắm…). Đồng thời, sự liên kết giữa khu du lịch quốc gia Núi Sam với các khu, điểm du lịch vệ tinh trên sẽ hình thành các tuyến du lịch có ý nghĩa quan trọng bậc nhất của tỉnh, thu hút khách du lịch đến An Giang.
Núi Sam được coi là hình ảnh đại diện, tạo thương hiệu cho du lịch tỉnh An Giang. Chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh theo số 59/Ctr-UBND ngày 13/02/2017, định hướng phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang theo hướng  «du lịch văn hóa tâm linh » (sản phẩm du lịch đặc trưng của Núi Sam) trọng điểm của cả nước. Điều này khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của Núi Sam trong phát triển du lịch của tỉnh An Giang.


Mục tiêu
 
-           Triển khai thực hiện Luật du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017; Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch và  Quyết định số 2098/QĐ-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm công nhận khu du lịch Núi Sam thành Khu DLQG.
-           Làm cơ sở quản lý, bảo vệ tài nguyên du lịch, kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư, đưa Núi Sam trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa tâm linh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
 
Nhiệm vụ

-           Xác định vị trí, vai trò của khu du lịch Núi Sam trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Án Giang;
-           Khái quát hiện trạng phát triển du lịch tỉnh An Giang và khu du lịch Núi Sam;
-           Phân tích, đánh giá thực trạng Khu du lịch Núi Sam theo 5 tiêu chí được quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
-           Xây dựng giải pháp phát triển bền vững, phát huy vai trò khu du lịch quốc gia Núi Sam.
-           Một số kiến nghị để phát triển khu du lịch quốc gia Núi Sam có hiệu quả.

Quy mô: Khu du lịch quốc gia 1.487 ha

Phê duyệt: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt tại quyết định số 2646/BVHTTDL ngày 13 tháng 7 năm 2018 

Tên dự án

Công nhận Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang

Đối tác

Video

  • Liên kết